Câu truyện sau
đây được một người thân kể lại có liên quan đến hai chữ “khẩu
nghiệp”, với lời nhắn là ai đó, xin đừng tạo nghiệp cho mình
bằng cách làm tổn thương người khác.
Chị sinh ra
trong một gia đình giầu có và đông anh chị em. Tuy cùng cha,
nhưng gia đình có nhiều “mẹ”, nên mặc dù anh chị em thương yêu
nhau, vẫn không tránh khỏi những khác biệt về tâm lý, suy nghĩ,
và hành động. Điều này dễ hiểu vì mỗi dòng con đều thừa hưởng
tính di truyền cả cha lẫn mẹ.
Tuổi thơ và tuổi
trẻ của chị là quãng đời thần tiên, được cha mẹ yêu thương, các
anh chị em yêu mến, nhưng cái nghiệp bắt đầu khi những người anh
chị em kia đã lớn, đã có những mảnh đời riêng. Theo chị, vì ghen
tỵ, vì mặc cảm hoặc vì những lý do cá nhân khác mà chị đã trở
thành nạn nhân của “khẩu nghiệp” do chính những anh chị em mà
chị rất mực thương yêu đã tạo cho chị.
Cái chị đau khổ
nhất của cuộc sống nơi đất khách quê người là cảm giác cô đơn và
lạc lõng. Không chỉ những anh chị em cùng cha, khác mẹ, mà kể cả
những người cùng một mẹ sinh ra đã gây cho chị, và coi chị như
kẻ thù. Đó là kết quả khẩu nghiệp. Kết quả của những lời nói lớn
nhỏ chuyền miệng, những lời nói rỉ tai sau lưng chị. Đối với
chị, cái đau đớn nhất không phải là hậu quả khẩu nghiệp do người
dưng tạo ra cho chị, mà là xuất phát từ những người trong gia
đình. Có lần chị đã ngỏ ý muốn nói một lần cho rốt ráo, cho mọi
người hiểu chuyện, và với hy vọng nối lại tình nghĩa gia đình.
Nhưng có lẽ thời cơ ấy chưa tới, mặc dù chị đã cố gắng, đã nhẫn
nhịn, và đã hạ cái tôi của chị xuống nhiều lần. Thôi đành chờ cơ
hội vậy. Mà nếu cơ hội ấy không đến thì cũng không sao, miễn sao
chị đã sống hết mình, sống thật lòng, và sống yêu thương với mọi
người là đủ.
KHẨU NGHIỆP LÀ
GÌ?
Vậy khẩu nghiệp
là gì mà nó gây ra bao tang thương, đổ vỡ, và trái oan cho nhiều
người như vậy?
Có thể hiểu một
cách nôm na khẩu nghiệp chính là nghiệp do những lời nói gây ra.
Khẩu nghiệp được hình thành do những lời nói tiêu cực, ác ý,
hoặc những lời nói khiêu khích được nói ra từ miệng lưỡi của một
người.
Theo quan niệm
của Phật Giáo, có ít nhất 5 loại ngôn ngữ thường tạo hậu quả
tiêu cực, hậu quả xấu cho nạn nhân, và cũng cho chính người nói
ra những ngôn từ đó. Bao gồm:
1. Không nói có,
có nói không: Đặt điều dựng chuyện, nói lời
gian dối. Những lời gây mâu thuẫn, thị phi.
2. Lời lẽ thô
thiển: Lời lẽ thô thiển hay còn được gọi
là thiển ngữ. Đó là những lời đả kích, xúc phạm đến lòng tự
trọng của người khác, hoặc chửi bới và làm phương hại danh dự
người khác.
3. Phê bình,
khen chê: Đánh giá, phê phán một người dựa
theo bên ngoài. Một hành động nẩy sinh do tâm lý so sánh, đố kỵ.
4. Nói hai lời: Lúc nói thế này lúc nói thế khác.
Trước mặt nói thế này, sau lưng nói thế khác làm phát sinh mâu
thuẫn.
5. Lời lẽ khiêu
khích: Dùng ngôn từ khích bác để gợi lên
lòng tham, sân, si của người khác.
Còn theo quan
niệm Kitô giáo, việc dùng lời nói để phê bình, phân rẽ, chia
cách hoặc ly gián người này người khác không chỉ được coi như
những nghiệp chướng, mà đúng ra nó là một thứ tội: Tội lỗi đức
công bằng, tội kiêu ngạo, và lỗi đức bác ái: “Các ngươi không
được giết người”. [1] Người ta có thể giết một người, nhiều
người bằng gươm đao, súng đạn, khí giới, nhưng cũng có thể giết
một người bằng cách hủy hoại danh dự, phẩm giá, và danh tiếng
của họ bằng những lời nói phê bình, chỉ trích, nói gian, hoặc
làm chứng gian.
CÁI NHÌN TÂM LÝ
Dù là nói hành,
nói xấu, hoặc dèm pha hạ nhục người khác bằng bất cứ ngôn từ
hoặc chủ ý nào, tâm lý học nhìn những nạn nhân như những người
thiếu may mắn, đáng thương, và bị tổn hại tinh thần, đôi khi
bằng cả sự nghiệp, danh giá, hoặc mạng sống. Nhiều người nhậy
cảm khi đối diện với những ác qủa của khẩu nghiệp đã rơi vào
tình trạng trầm cảm, chán nản, thất vọng, và đôi khi dẫn đến tự
tử. Đối với những ai tạo ra các nghiệp chướng này thường là
những người có thái độ sống thiếu tự tin, tự ty mặc cảm, thiếu
trưởng thành về mặt tâm lý. Họ cũng là những người tự tôn, vô
cảm, thiếu đạo đức.
Với một người
thiếu đạo đức thì việc gì họ cũng có thể làm được miễn sao họ
cảm thấy khỏa lấp được cái cao ngạo, đề cao cái tôi của họ. Có
thể họ là những người ghen tỵ, có thể họ là những người tham
lam, ích kỷ, hoặc có thể họ là những người nuôi ước vọng hão
huyền về những gì mình muốn có, và cách duy nhất là dìm người
khác xuống, hoặc chê bai, phê bình người khác. Thực chất, họ
đáng thương không phải vì cái nghiệp họ gieo, mà ngay chính cái
tâm của họ cũng không được an bình, và cuộc sống họ cảm thấy cô
đơn, xa tránh và ít bạn bè.
KIỀM CHẾ KHẨU
NGHIỆP
“Nhất ngôn xuất
khẩu, tứ mã nan truy”. [2] Một lời nói ra khỏi miệng bốn con
ngựa đuổi theo cũng không kịp. Những ai hay có tính gieo khẩu
nghiệp nên suy nghĩ lại, và hãy tự kiểm điểm ngôn từ của mình.
Khi một lời nói xấu, dèm pha, hoặc hạ giá người khác được nói
ra, nó sẽ lan tỏa rất nhanh, rất xa khó lòng lấy lại. Nó cũng tố
cáo dã tâm, và lòng độc ác của người tạo nghiệp: “Ngậm máu phun
người trước dơ miệng mình”. [3] Do đó, người tạo khẩu nghiệp sẽ
luôn sống với tâm trạng nghi ngờ, bất an. Họ sợ người khác nói
xấu về họ như họ đã nói xấu người khác. Họ sợ bị trả thù, và
nhiều thứ sợ khác. Kết quả họ là người khổ trước khi những nạn
nhân của họ bị khổ. Và họ là những người sống thiếu bình an.
Khi luận về giá
trị của cái lưỡi. Người xưa cũng có câu: “Lưỡi không xương nhiều
đường lắt léo”.[4] Chính vì thế, Thánh Kinh Kitô Giáo đã có
những lời khuyên can những người hay dùng miệng lưỡi mà hại
người khác như sau:
“Ai không vấp
ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn
thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời,
thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem
tàu bè : dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào
đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo
ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy : nó là một bộ phận nhỏ bé
của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn.
Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn
biết bao ! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của
sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể
chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc
đời, vì chính nó bị lửa hỏa ngục đốt cháy. Ta dùng lưỡi mà chúc
tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những
con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một
cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh
em, như vậy thì không được.”[5]
Tóm lại:
“Người tốt thì
lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra
cái xấu từ trong kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói
ra.” [6]
___________
Tài liệu khảo
cứu:
1. Matthew’s
Gospel (Mt 19:16-21). The Catechism refers to this in
item #2052.
2. Ôn Như Nguyễn
Văn Ngọc. Ca Dao Tục Ngữ.
3. Ibid.
4. Ibid.
5. Giacôbê
3:2-6, 9-10.
6. Luca 6:45.